Bài tuyên truyền kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Bộ Xã Quảng Ninh (7/4/1948 – 7/4/2024)
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Ninh long trọng tuyên truyền kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã (7/4/1948 – 7/4/2024). Thay mặt Đảng uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, Ban chấp hành Đảng bộ xã Quảng Ninh nhiệt liệt gửi tới các đồng chí cán bộ Đảng viên trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã lời kính chúc sức khoẻ, gia đình hạnh phúc và thành đạt.
Bài tuyên truyền kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Bộ Xã Quảng Ninh (7/4/1948 – 7/4/2024)
Kính thưa các đồng chí Đảng viên cùng toàn thể nhân dân!
Trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu và kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Anh hùng giải phóng dân tộc Danh nhân văn hóa thế giới,
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Ninh long trọng tuyên truyền kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã (7/4/1948 – 7/4/2024). Thay mặt Đảng uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, Ban chấp hành Đảng bộ xã Quảng Ninh nhiệt liệt gửi tới các đồng chí cán bộ Đảng viên trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã lời kính chúc sức khoẻ, gia đình hạnh phúc và thành đạt.
Kính thưa các đồng chí và nhân dân!
Quảng Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đến đầu thế kỷ XIX vùng đất này đã hình thành nên những tụ điểm dân cư đông đúc với các tên gọi là Dụ Côn, Đa Cai, Phạm Xá, Ước Nội, Thanh Nội, xã Hoành Cừ, Phú Thái thuộc tổng Thái Lai, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đơn vị cấp tổng bị xóa bỏ, huyện Quảng Xương xắp xếp lại thành 39 xã. Các làng Ước Nội, Phúc Quả, Phạm Lĩnh, Nê Trung, Nhân Cựu thuộc xã An Ninh.
Tháng 4/1948 xã An Ninh sáp nhập với xã Việt Hồng và Quang Trung thành xã Quảng Ninh. Tên xã Quảng Ninh có từ đây. Bấy giờ xã Quảng Ninh (lớn) gồm 16 thôn: Dụ Côn, Hoành Đẩu, ấp Cổ Hiền, Phúc Điền, Trần Cầu, Ngọc Phương, Văn Lan, Ái Đức, Hà La, Ngưu Trung, Xa Thư, Ước Nội, Phúc Quả, Phạm Lĩnh, Nê Trung, Nhân Cựu. Đến cuối năm 1953, xã Quảng Ninh chia thành 2 xã: Quảng Ninh và Quảng Bình. Xã Quảng Ninh có 6 thôn: Dụ Côn, Hoành Đẩu, Phúc Quả, Phạm Lĩnh, Ninh Thái, Ước Nội. Sau đó các thôn đều lấy chữ “Ninh” làm tên đầu gồm các thôn Ninh Dụ, Ninh Thọ, Ninh Thái, Ninh Ước, Ninh Phúc, Ninh Phạm. Về sau do sự phát triển về dân cư nên thành lập 2 cụm dân cư mới là Phúc Thành và Cống Trúc. Năm 2019 xã Quảng Ninh chúng ta thực hiện đề án sát nhập thôn, tổ dân phố của chính phủ, hiện nay xã Quảng Ninh gồm có 5 thôn trên gồm thôn Ước thành, Ninh Phúc, Ninh Phạm, Ninh Dụ và thọ Thái, tổng diện tích tự nhiên là 621,76ha; dân số 1.734 hộ với 6.878 nhân khẩu.
Thưa các đồng chí và nhân dân !
Trải qua quá trình chống chọi với thiên tai, địch họa để dựng làng lập xóm, các thế hệ cư dân Quảng Ninh đã vun đắp nên những truyền thống cực kỳ quý báu rất đáng tự hào: Đó là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo; truyền thống văn hóa và truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất. Truyền thống đó là di sản văn hóa tinh thần vô giá và là nền tảng tinh thần với sức mạnh to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng quê hương.
Vào giữa thế kỷ XIX, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta liên tiếp nổ ra đã giáng cho quân thù những đòn chí mạng. Ở huyện Quảng Xương, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, dưới sự lãnh đạo của Đề đốc Đỗ Đức Mậu (Quảng Phong), Nguyễn Chính (Quảng Hợp) đã tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ ở núi Gây, núi Bượm để đánh địch. Cuối thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương chống Pháp bị quân thù dìm trong bể máu, song ngọn lửa bất khuất, ý chí kiên cường và tên tuổi các sĩ phu yêu nước và các nghĩa sĩ Cần Vương là những tấm gương sáng trong sự nghiệp chống thực dân xâm lược cứu nước của nhân dân ta vào cuối thế kỷ XIX.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân Quảng Ninh đã phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa phong trào cách mạng trong xã phát triển từ thấp đến cao. Trải qua 15 năm đấu tranh kiên cường bất khuất, ngày 19 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, nhân dân Quảng Ninh đã cùng nhân dân trong huyện đứng lên làm cuộc Cách mạng “trời long đất lở” xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi ra đời, Nhà nước ta đã phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, cùng một lúc phải đấu tranh chống giặc đói, chống giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thực hiện chủ trương của Đảng và Hồ Chủ tịch, phong trào diệt giặc dốt, giặc đói ở Quảng Ninh diễn ra hết sức sôi động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Cùng với các phong trào trên, nhân dân Quảng Ninh tích cực tham gia các cuộc vận động ủng hộ quỹ Độc lập như Tuần lễ vàng, tuần lễ bạc, tuần lễ đồng. Toàn xã góp được 100 đồng (tiền Đông Dương), 10 chỉ vàng, 10 lạng bạc, hơn 1 tạ đồng ủng hộ Chính phủ góp phần giữ vững thành quả cách mạng.
Tháng 2 năm 1946, Huyện ủy Quảng Xương được thành lập đã lãnh đạo nhân dân trong huyện củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đẩy mạnh sự nghiệp kiến quốc, chuẩn bị mọi điều kiện tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên toàn quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quảng Xương, nhân dân Quảng Ninh cùng nhân dân trong huyện nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước với ý chí sắt đá “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Đầu năm 1948, Huyện ủy và ủy ban kháng chiến, hành chính huyện Quảng Xương đóng trên địa bàn xã đã giúp đỡ và kết nạp 7 đồng chí vào Đảng gồm: Lữ Trọng Xương, Lê Trung Hồng, Tống Văn Xừ, Lê Văn Quát, Lê Khắc Quyển và 2 đồng chí ở xã Quảng Bình. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất trong toàn xã. Ngày mùng bảy tháng tư năm 1948, tại nhà đồng chí Lữ Trọng Xương (thôn Ninh Dụ), đồng chí Bùi Ngọc Khai thay mặt Huyện ủy triệu tập Hội nghị thành lập chi bộ Đảng xã Quảng Ninh, lấy tên là Chi bộ Trung Thành gồm 7 đồng chí; đồng chí Lữ Trọng Xương được chỉ định làm Bí thư chi bộ.
Sự ra đời của Chi bộ Trung Thành là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của chi bộ và nhân dân xã nhà. Ngày 7/4/1948 đã trở thành một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng bộ , là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Quảng Ninh. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của góp phần cùng cả nước giành Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. Trong những năm kháng chiến gian khổ, hy sinh, đội ngũ đảng viên Quảng Ninh luôn luôn đầu tầu gương mẫu trong các phong trào, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Nhiều đảng viên đã tình nguyện xung phong tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công tiếp vận phục vụ các chiến dịch.
Hòa bình ở miền Bắc được lập lại, Đảng bộ Quảng Ninh lãnh đạo nhân dân xã nhà cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong những năm 1954 – 1960, chi bộ lãnh đạo nhân dân trong xã vừa khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, vừa hoàn thành cải cách ruộng đất, xây dựng tổ đổi công từng bước đưa nông dân đi vào con đường hợp tác hóa. Đến cuối năm 1959, toàn xã thành lập được 13 hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp (quy mô xóm), đến năm 1962 sáp nhập thành 7 hợp tác xã bậc cao (quy mô thôn, liên thôn). Cùng với Hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng được thành lập tạo thành “Ba ngọn cờ hồng” hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Tháng 3 năm 1961, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Huyện ủy Quảng Xương ra Quyết định chuyển chi bộ Quảng Ninh thành Đảng bộ, với 118 đảng viên, do đồng chí Lê Bạch Mai làm Bí thư Đảng ủy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong xã phát huy Ba ngọn cờ hồng đẩy mạnh thâm canh cây lúa, hoa màu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, y tế, giáo dục ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ ngày càng phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, luôn nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu trong công tác, đa số được quần chúng nhân dân tín nhiệm.
Từ năm 1965 đến năm 1975, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến, làm tốt công tác phòng không sơ tán, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã thi đua sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển chăn nuôi với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp cho tiền tuyến hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; lớp lớp con em Quảng Ninh hăng hái lên đường “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”. Những đóng góp của quân và dân Quảng Ninh đã góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh biên giới phía bắc, biên giới tây nam bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh đã động viên hàng trăm người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. đóng góp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm. Toàn xã có 150 liệt sỹ, hàng chục thương binh, bệnh binh; 16 bà mẹ - được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”,cùng nhiều gia đình có công với nước. Nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương Quảng Xương - trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm và tình đoàn kết quân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh hôm nay và mãi mãi mai sau.
Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước chung sức dựng xây chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và củng cố Đảng bộ ngày càng vững mạnh. Việc thực hiện khoán 100 (năm 1981) bước đầu phát huy được tiềm năng của nông nghiệp. Tiếp đó trong 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 1995), Đảng bộ tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, triển khai phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đến việc thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Đặc biệt đã tập trung lãnh đạo việc thực hiện Nghị quyết 10 (năm 1988) của Bộ Chính trị về “cải tiến cơ chế khoán trong nông nghiệp”, tạo ra bước phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội, đưa Quảng Ninh từ một xã nghèo đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Đảng bộ Quảng Ninh đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, gian khổ, không ngừng đổi mới, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 15 %. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 62 triệu đồng /người/ năm, năm 2024 phấn đấu đạt 65 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả. Các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Cơ sở vật chất hạ tầng như điện, đường, trường, trạm…đã được đầu tư xây dựng phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh;
Chương trình xây dựng Nông thôn mới được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân.Năm 2015 xã Quảng Ninh được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; Ngày mùng 1 tháng 2 năm 2024 Cán bộ, Đảng viên và nhân dân xã Quảng Ninh rất vinh dự và tự hào được chủ tịch UBND Tỉnh ký quyết định xã đạt NTM nâng cao năm 2023, Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm chú trọng, cả 3 cấp trường đều đứng vào tốp đầu của huyện và luôn giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được thực hiện tốt, luôn giữ vững trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về Y tế giai đoạn II (2020-2025). Thực hiện tốt chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh- bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; công tác xóa đói, giảm nghèo, đối tượng chính sách xã hội, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm hỗ trợ đảm bảo ổn định về đời sống. Bộ mặt kinh tế - xã hội đổi mới toàn diện và sâu sắc, đời sống nhân dân được nâng cao. Diện mạo nông thôn đã và đang từng ngày đổi mới. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, 5 trên 5 thôn và 3 đơn vị đạt danh hiệu khu dân cư , đơn vị văn hóa; gia đình văn hoá đạt 86,%. Năm 2023. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ xã đến cơ sở đã được quan tâm chỉ đạo.
Công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cấp trên, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) , (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn.
Nhìn lại 76 năm xây dựng và phát triển, từ lúc chỉ có 7 đảng viên; trải qua 22 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ xã Quảng Ninh đã có trên 287 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ trực thuộc. trong đó có 278 lượt đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng, trong đó 70 năm tuổi Đảng có 4 đồng chí, 65 năm tuổi Đảng có 25 đồng chí, 60 năm tuổi Đảng có 27 đồng chí; 55 năm tuổi Đảng có 33 đồng chí; và từ 50 năm tuổi Đảng đến 30 năm là 189 đồng chí.
76 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ vẫn thể hiện được phẩm chất tiên phong cách mạng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên cường trước mọi thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, mẫu mực trong đạo đức, lối sống, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Kính thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân.
Bảy mươi sáu năm, là một khoảng thời gian ngắn so với tiến trình lịch sử của quê hương đất nước nhưng lại là một chặng đường dài đối với Đảng bộ - một chặng đường vượt qua bao gian khó hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang. Trong ngày kỷ niệm trọng đại này, với niềm xúc động và biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển xã Quảng Ninh. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo xã qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với nước, anh, chị thương binh, bệnh binh, các thế hệ đảng viên, cùng các tầng lớp nhân dân đã đóng góp cho sự trưởng thành của Đảng bộ, sự phát triển của quê hương.
Tự hào về truyền thống vẻ vang 76 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh vô cùng biết ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; biết ơn sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự quan tâm giúp đỡ và tạo thuận lợi của các ban, ngành, đoàn thể huyện đối với xã Quảng Ninh trong suốt thời gian qua; cảm ơn sự đóng góp quý báu của các tổ chức, doanh nhân, của bạn bè, những người con quê hương Quảng Ninh đang học tập, công tác, sinh sống ở trong nước và nước ngoài đã chung tay góp sức cùng với Đảng bộ và nhân dân xã nhà tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và phát triển của quê hương Quảng Ninh trong suốt 76 năm qua.
Thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân!
Bảy mươi sáu năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ là một mốc son lịch sử. Tự hào về vùng đất Quảng Ninh thân yêu đang chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường đổi mới và hội nhập. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng , khai thác tốt tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảPublish tino đảm an sinh xã hội. Tăng cường an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội; không ngừng chăm lo đào tạo nguồn nhân lực; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, xây dựng Quảng Ninh trở thành “xã văn minh, hiện đại”.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ninh nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Thay mặt Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQ xã, chúng tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu xây dựng quê hương Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững, hướng tới một tương lai sáng lạn huy hoàng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, quyết tâm đưa quê hương Quảng Ninh của chúng ta trở thành xã văn minh, hiện đại trong thời gian sớm nhất.
Kính chúc các đồng chí cán bộ, Đảng viên cùng toàn thể nhân dân trong xã mạnh khỏe hạnh phúc và thành công.
Thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Bí thư thường trực Hoàng Văn Mạnh