Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Bài tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời của Hội khuyến học xã Quảng ninh

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP,

HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

 

Kính thưa toàn thể Nhân dân, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng nói: “Vì sự nghiệp 10 năm thì phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm thì phải trồng người”. Giáo dục luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu,  giáo dục không chỉ mang lại cho chúng ta những bài học mà nó còn có vai trò truyền cảm hứng để chúng ta học tập và làm theo.

Học hành chưa bao giờ  là cũ, mỗi con người chúng ta luôn cần học tập và trau dồi bản thân,  giáo dục  chính là một cách tự học, một cách để đả thông tư tưởng, giúp cho bản thân tiến bộ hơn.

Lãnh tụ thiên tài, vĩ đại Lê Nin  đã có một câu nói rất nổi tiếng, đó là: “Học, học nữa, học mãi”.    

Vì vậy mọi người, mọi nhà chúng ta hãy chung tay xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, học mọi lúc mọi nơi, học để phục vụ bản thân, phục vụ, cống hiến cho xã hội, học để tự khẳng định mình.

 1. Sự cần thiết và tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập(XDXHHT) và học tập suốt đời (HTSĐ).           

Thế giới hiện đại với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và nền kinh tế tri thức đã và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân của tri thức nhân loại trên mọi lĩnh vực. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng tri thức của nhân loại sau năm đến bảy năm sẽ tăng gấp đôi, trong khi đó thời lượng học tập và số môn học trong nhà trường, đặc biệt là giáo dục phổ thông, giáo dục phổ cập đã và đang đòi hỏi ngoài các nội dung khoa học truyền thống cần phải bổ sung nhiều nội dung mới, cập nhật, như giáo dục công nghệ, môi trường, giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống...

 Xây dựng mô hình xã hội học tập có nghĩa là xây dựng nền giáo dục của một xã hội học tập suốt đời toàn diện và tích hợp, một xã hội mà trong đó tất cả những yêu cầu học tập của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc đều được đáp ứng. Xây dựng một xã hội học tập suốt đời dựa trên cơ sở bốn yêu cầu cơ bản hay còn gọi là bốn trụ cột mà Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đề cập đến, đó là học để biết, học để làm, học để cùng chung sống với nhau và học để làm người.

Như vậy, học tập không đơn thuần để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực lao động nghề nghiệp hay có một vị trí xã hội nào đó mà trước hết là để thành người và qua đó góp phần vào sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng và của toàn xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản của nền giáo dục hiện đại là mang lại cho mọi người những cơ hội học tập và phát triển để trở thành những con người tài năng, có khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo, năng động, tự khẳng định mình và góp phần cải biến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

  2. Thế nào là một xã hội học tập?

             Xã hội học tập là một xã hội, trong đó, mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập. Xã hội tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập. Trong xã hội học tập, ai cũng được học hành, học thường xuyên, học tập suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất.

  3. Thế nào là học tập suốt đời:

           HTSĐ không phải là suốt đời đi học mà là: Mỗi người trong suốt cuộc đời của mình cần được liên tục đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết  còn thiếu để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu trong lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác.(thông qua các hình thức giáo dục chính quy, không chính quy (đào tạo từ xa, học từ trung tâm học tập cộng đồng, họa qua thư viện, sách báo, in tent, câu lạc bộ..vv.)

   4. Mối quan hệ giữa Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập có quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ,  Chỉ có tạo ra phong trào Học tập suốt đời trong mọi người dân, mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị thì mới xây dựng được xã hội học tập thành công. Ngược lại xây dựng được xã hội học tập mới tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi người dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Trong đó Học tập suốt đời là cốt lõi của xây dựng xã hội học tập

    5. Tại sao phải xây dựng xã hội học tập?

         Cần phải xây dựng xã hội học tập vì:

        Thứ nhất: Mọi công dân đều phải học tập suốt đời để trở thành người lao động có nghề, có năng suất lao động cao để cải thiện cuộc sống bản thân, làm giàu cho gia đình và cho cộng đồng, đóng góp xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc.

        Thứ hai: Mọi công dân, mọi gia đình, dòng họ, mọi cộng đồng dân cư, cả xã hội đều có trách nhiệm tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng được học hành, ai cũng thực hiện được nhiệm vụ học tập suốt đời, bảo đảm mọi người đều bình đẳng, được công bằng xã hội về giáo dục.

        Thứ ba: Phải xây dựng một hệ thống giáo dục để phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, trong đó có sự gắn kết giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người trưởng thành. 

       6. Vì sao mọi người đều phải học?

         Mọi người đều phải học vì:

        (1) . Thực tế đã chứng minh nhiều người tài, người thành đạt trong xã hội vì được học tập, tu dưỡng trong môi trường giáo dục tốt.

        (2) Sự biến đổi, phát triển xã hội ngày càng nhanh, người trưởng thành phải tiếp tục học để nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đáp ứng yêu cầu mà công việc, nghề nghiệp, cuộc sống và xã hội đang đòi hỏi. Người trưởng thành học để giải quyết khó khăn, thực hiện công việc với hiệu quả cao nhất.

        (3) Người lớn tuổi vẫn cần phải học, dù họ là người đã có hạn chế nhất định về sức khỏe và môi trường công tác và sau cả đời cống hiến.
Khi tuổi thọ trung bình tăng lên thì nhiều người trong độ tuổi 60 – 70 còn khá sung sức trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo thế hệ trẻ.

       - Nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ để mở rộng phạm vi giao tiếp xã hội, cập nhật thông tin, đáp ứng nhu cầu tự học và giải trí.

   7. Không học thường xuyên, sẽ mù chức năng

       Sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đã luôn nâng cao và đổi mới liên tục trình độ trang thiết bị sản xuất, đổi mới kỹ thuật và công nghệ chế tạo sản phẩm cũng như trong công việc hành chính, sự nghiệp, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… và phương pháp quản lý nhà máy, doanh nghiệp, các cơ quan hành chính, trường học v.v…

       Trong công việc, khi các kỹ năng hiện có không còn đáp ứng được những nhiệm vụ mới, con người rơi vào trạng thái thiếu hụt những kỹ năng tiến hành các hoạt động và đó là mù chữ hành dụng hay còn gọi là bị mù chức năng.

       Mọi người đều có thể bị mù chức năng tự học thường xuyên.

       Học tập suốt đời là điều kiện để con người khắc phục tình trạng mù chức năng. Tinh thần tự học là cần thiết và có ý nghĩa quyết định đối với việc trau dồi những chức năng cần thiết theo phương châm “Cần gì học nấy” để hành nghề có năng suất cao, đạt chất lượng cao.

    8. Các chủ trương của Đảng và những quan điểm, mục tiêu của Chỉnh phủ về XDXHHT đã xác lập một quan niệm rõ ràng về XHHT đó là:

-Thứ nhất: Mọi người đều được tận dụng các cơ hội để thực hiện quyền, nghĩa vụ trong học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các cơ hội học tập để đem lại lợi ích và đóng góp cho sự phát triển của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.(tính ưu việt trong XHHT nước ta)

- Thứ hai: XHHT là một thể thống nhất trong nền giáo dục quốc dân được xây dựng thành 2 hệ thống: Hệ thống giáo dục ban đầu  gồm các trường lớp chính quy của các cấp học, bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học dành cho thế hệ trẻ và hệ thống giáo dục tiếp tục gồm những cơ sở giáo dục chính quy và phi chính quy dành cho người lớn – những người lớn đã hoặc chưa qua giai đoạn học tập trong hệ thống giáo dục ban đầu. tại các cơ sở đào tạo tại chức, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, đào tạo và đào tạo lại qua các khóa học, lớp học ngắn hạn, tại các TTHTCĐ.

  9. Về Công dân học tập

        Để có xã hội học tập, phải có công dân học tập, công dân học tập là nền tảng, gốc rễ của XHHT, xây dựng mô hình “Công dân học tập” nhằm khuyến khích và tạo cơ hội cho mọi cá nhân, tổ chức, đơn vị, gia đình và xã hội được tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trở thành “Công dân số”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi vị trí lao động, việc làm trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

        Gia đình học tập được xác định là tế bào của xã hội học tập.

        - Công dân học tập có tinh tinh thần hiếu học, khả năng tự học và có nghề; có kế hoạch học tập và thực hiện đầy đủ kế hoạch đó tại các cơ sở học tập không chính quy trong cộng đồng.

        - Biết sử dụng ngoại ngữ và máy tính để khai thác được những tri thức trên các mạng thông tin. 

Để tiếp tục thực hiện lời dậy của Bác Hồ kính yêu và thực hiện Quyết định 1373 của Thủ tướng chính phủ về xây dựng xã hội học tập, mọi người chúng ta luôn nâng cao ý thức tự học, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời với  mục tiêu cần gì học nây, học mọi lúc, mọi nơi, học để nâng cao hiểu biết, học để khẳng định mình và học để cống hiến cho xã hội./.

Bài viết của Hội Khuyến học xã Quảng Ninh

Quảng Ninh, ngày 20 tháng 11 năm 2023

CHỦ TỊCH

 

 

Đỗ Thị Diện