Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

 

Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, là sản phẩm của xã hội, của lịch sử, được hình thành và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên, là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc, sự hài hoà trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Sự tồn tại, bền vững của gia đình quyết định sự tồn tại, bền vững của xã hội.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của gia đình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và bảo vệ gia đình, ngày 21 tháng 2 năm 2005 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đề ra mục tiêu “mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Đồng thời, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ gia đình trong đó có vấn đề bạo lực gia đình như Hiến pháp năm 1992, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh người cao tuổi... Các quy định pháp luật tuy đã đề cập đến các biện pháp bảo vệ gia đình và phòng ngừa bạo lực gia đình, song xét một cách tổng quát, những quy định đó vẫn còn sơ sài, tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật, thiếu tính cụ thể và chưa có những quy định pháp lý đặc thù.

Ngày 21 tháng 11 năm 2007 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

1. Khái niệm bạo lực gia đình                  

Bạo Lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình (Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007)

2.  Những hành vi bạo lực gia đình

Tại Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định bao gồm 9 nhóm hành vi sau :

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

- Cưỡng ép quan hệ tình dục;

- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

3. Đối tượng áp dụng Luật phòng chống bạo lực gia đình :

Luật phòng, chống bạo lực gia đình áp dụng cho các nhóm đối tượng sau:

- Các thành viên trong gia đình (Do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng).

- Áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

4. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Phòng chống bạo lực gia đình dựa trên 4 nguyên tắc sau:

- Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

- Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình

Người có hành vi bạo lực gia đình có những nghĩa vụ như  sau:

- Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực.

- Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

6. Quyền và nghĩa vụ của  nạn nhân bạo lực gia đình

Theo Điều 5, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình  có các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau:

- Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

+ Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

+ Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

7.  Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực  gia đình

Theo Điều 6, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 3, 4, 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì:

1- Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: Ngân sách nhà nước và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.  

 Việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau:

- Hàng năm, Nhà nước bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cơ quan, tổ chức này.

- Kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình của các địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm và được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cấp ngân sách ở địa phương.

2- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật

- Khuyến khích các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình như:

+ Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các mô hình khác về phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định hiện hành.

+ Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, sáng tác, công bố, phổ biến đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao về phòng, chống bạo lực gia đình.

3 - Tổ chức, hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

4- Chính sách đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình:

+ Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

+ Người có hành vi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân khi trực tiếp thực hiện việc ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, nếu bị chết thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ, nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật;

+ Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà bị thiệt hại về tài sản thì được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra bạo lực gia đình hoàn trả thiệt hại trong trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thiệt hại; kinh phí hoàn trả được lấy từ ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dành cho thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định này.

8. Những hành vi bạo lực gia đình bị pháp luật nghiêm cấm

Có 7 nhóm hành vi Bạo lực gia đình bị pháp luật nghiêm cấm:

- Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

- Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

- Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.

- Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

- Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.

- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

9. Biện pháp phòng ngừa baọ lực gia đình

Phòng ngừa bạo lực gia đình có mục đích tránh những hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra khi có hành vi bạo lực gia đình. Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ thể 3 biện pháp trong phòng ngừa bạo lực gia đình như sau:

a. Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình

Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

* Trong quá trình thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;

- Phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo;

- Không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình.

* Những nội dung thông tin tuyên truyền truyền cần tập trung

Điều 10 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định quá trình thông tin, tuyên truyền cần tập trung vào các nội dung sau:

- Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình.

- Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

- Tác hại của bạo lực gia đình.

- Biện pháp, mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình.

 - Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá.

- Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

* Hình thức thông tin, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình gồm:

- Thực hiện trực tiếp.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá quần chúng khác.

b. Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình

- Việc hoà giải phải dựa trên các nguyên tắc sau đây:

+ Kịp thời, chủ động, kiên trì.

+ Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

+ Tôn trọng sự tự nguyện tiến hành hòa giải của các bên.

+ Khách quan, công minh, có lý, có tình.

+ Giữ bí mật thông tin đời tư của các bên.

+ Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

+ Không hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình (Điểu 14, 15 quy định về các trường hợp hoà giải do cơ quan, tổ chức, tổ hoà giải tiến hành) trong những trường hợp sau đây:

● Vụ việc thuộc tội phạm hình sự, trừ trường hợp người bị hại yêu cầu không xử lý theo quy định của pháp luật hình sự;

● Vụ việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính.

- Chủ thể tiến hành hoà giải: Tại Điều 13, 14, 15 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:

+ Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành:

Gia đình có trách nhiệm kịp thời phát hiện và hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.

 Trường hợp gia đình không hòa giải được hoặc có yêu cầu của thành viên gia đình thì người đứng đầu hoặc người có uy tín trong dòng họ chủ động hòa giải hoặc mời người có uy tín trong cộng đồng dân cư hòa giải.

+ Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do cơ quan, tổ chức tiến hành (Điều 14, Luật Phòng chống bạo lực gia đình):

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức mình với thành viên gia đình họ khi có yêu cầu của thành viên gia đình; Trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để tiến hành hòa giải.

+ Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành (Điều 15, Luật Phòng chống bạo lực gia đình):

Tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

  Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.

  c. Tư vẫn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình

Luật phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra 2 nhóm biện pháp chính để thực hiện tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình, cụ thể:

* Tư vấn về gia đình ở cơ sở:

  - Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở cho các thành viên trong cộng đồng dân cư để phòng ngừa bạo lực gia đình (Khoản 1 Điều 16 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)

- Nội dung tư vấn về gia đình ở cơ sở gồm:

+ Cung cấp thông tin, kiến thức, pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Hướng dẫn kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.

  - Hình thức tư vấn về gia đình ở cơ sở: Theo Khoản 3 điều 6 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì việc tư vấn về gia đình ở cơ sở được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:

+ Tư vấn trực tiếp;

+ Tư vấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;

+ Tư vấn thông qua các loại hình khác.

- Đối tượng cần tư vấn về gia đình ở cơ sở:

Khoản 3, Điều 16, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định việc tư vấn về gia đình ở cơ sở tập trung vào các đối tượng:

+ Người có hành vi bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Người nghiện rượu, ma tuý, đánh bạc;

+ Người chuẩn bị kết hôn.

Ủy ban nhân dân cấp xã xác định và lập danh sách đối tượng để thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở nêu ở trên để thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở.

Căn cứ vào kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương và danh sách đối tượng nêu ở trên , Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện tư vấn về gia đình ở cơ sở.

-  Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tư vấn về gia đình ở cơ sở

Theo K4 Điều 16  Luật phòng, chống bạo lực gia đình và K4, 5, 6  Điều 6 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP  ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có những trách nhiệm như sau:

+ Công chức làm công tác tư pháp phối hợp với công chức làm công tác văn hóa - xã hội cấp xã cung cấp, phổ biến tài liệu, thông tin, kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho người chuẩn bị kết hôn trước khi được cấp Giấy chứng nhận kết hôn; cung cấp nội dung tư vấn về gia đình ở cơ sở cho cơ quan thông tin đại chúng.

+ Công chức làm công tác văn hóa - xã hội, công chức làm công tác tư pháp, cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi cấp xã, tổ viên của Tổ hòa giải ở cơ sở, nhân viên y tế ở cấp xã đã được tập huấn về tư vấn là người thực hiện tư vấn trực tiếp về gia đình ở cơ sở - Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở.

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng nội dung tập huấn, tổ chức tập huấn cho người làm công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

 Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư:

- Khoản 1, Điều 17, Luật Phòng, chống bao lực gia đình và Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình đã được tổ hòa giải ở cơ sở hoà giải mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.

- Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nếu thời gian giữa hai lần thực hiện hành vi bạo lực không quá 12 tháng.

- Thẩm quyền quyết định tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư

Theo Khoản 2,3 Điều 17, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 2,3,4 Điều 7, Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư  là:

+ Trưởng thôn, làng, bản, ấp, phum, sóc, tổ trưởng tổ dân phố hoặc người đứng đầu đơn vị tương đương (sau đây gọi chung là người đứng đầu cộng đồng dân cư) quyết định và tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Thành phần tham gia góp ý, phê bình bao gồm đại diện gia đình, hộ gia đình liền kề và các thành phần khác do người đứng đầu cộng đồng dân cư mời.

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện cho người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

- Thẩm quyền quyết định và tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, thành phần tham gia góp ý, phê bình được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 17, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tổ chức góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình được bố trí bằng một cuộc họp riêng và vào thời gian thích hợp để các thành phần tham gia cuộc họp có thể tham dự được đông đủ.

+ Sau khi góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư phải lập biên bản cuộc họp và gửi tới công chức làm công tác tư pháp, công chức làm công tác văn hóa - xã hội ở cấp xã để lưu trữ, làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong trường hợp người đã bị góp ý, phê bình tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.

+ Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình cố tình vắng mặt thì cuộc họp góp ý, phê bình vẫn tiến hành. Trong trường hợp này, biên bản góp ý, phê bình được gửi tới người có hành vi bạo lực gia đình và công chức làm công tác tư pháp, công chức làm công tác văn hóa - xã hội ở cấp xã.

10. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện có hành vi bạo lực gia đình

Điều 18, Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan tổ chức khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình như sau:

- Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 quy định Nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình)

- Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

11.  Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình

Điều 19, Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định các biện pháp ngăn chặn bảo vệ nạn nhân như sau:

- Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:

+ Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;

+ Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;

+ Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân.

- Người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm: Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình, cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình.

- Thẩm quyền, điều kiện áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 ( các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự.

12.  Điều kiện để Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc 

Theo Khoản 1 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 03 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Đã có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình. Hành vi bạo lực gia đình được xác định khi có một trong các căn cứ  sau đây:

 Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra;

  Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình;

 Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình).

+ Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

 Nơi ở khác nhau bao gồm: Nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.

- Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người tàn tật.

13. Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình:

Biện pháp cấm tiếp xúc là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi sau đây:

- Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân.

- Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.

14. Những trường hợp bị huỷ bỏ biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã

Tại Khoản 3, Điều 20, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1, 2, 3 Điều 11, Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định:

 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định cấm tiếp xúc huỷ bỏ quyết định đó trong trường hợp sau:

+ Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Biện pháp này không còn cần thiết;

+ Phát hiện những thông tin sai lệch làm căn cứ ra quyết định.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là người có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc.

- Quyết định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi ngay tới người có hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.

15. Những trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình

Theo Khoản 6, Điều 9, Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết  và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình th× : Các trường hợp đặc biệt mà người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm:

- Gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi;

- Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng;

- Tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;

- Những trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

16. Biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì sẽ bị xử lý (có thể bị tạm giữ hành chính hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính), Cụ thể:  Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong các trường hợp sau đây:

+ Có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

17. Biện pháp  cấm tiếp xúc của Toà án

Căn cứ theo Điều 21, Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì Toà án có quyền ra quyết định về các biện pháp cấm tiếp xúc khi Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

 + Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

- Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

- Toà án nhân dân đã ra quyết định cấm tiếp xúc huỷ bỏ quyết định đó khi có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình hoặc khi nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết.

- Trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân phải tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện tương tự quy định của pháp luật tố tụng dân sự về các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

18. Thẩm quyền giám sát trong quá trình thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc

Điều 22, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

1. Khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc của Toà án có thẩm quyền thì người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

2. Người được phân công giám sát có các nhiệm vụ sau đây:

a. Theo dõi việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân; trường hợp phát hiện người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình thì yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện nghiêm chỉnh quyết định cấm tiếp xúc;

b. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vẫn cố tình tiếp xúc với nạn nhân thì người được phân công giám sát báo cáo cho người đứng đầu cộng đồng dân cư để có biện pháp buộc người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi của mình.

3. Trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình  thì các thành viên gia đình có trách nhiệm giám sát để bảo đảm không xảy ra bạo lực gia đình.

19. Chức năng của cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và những cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình

Theo Khoản 1,2 Điều 26, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình có chức năng như sau:

-  Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

- Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:

+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Cơ sở bảo trợ xã hội;

+ Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

20. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc phòng chống bạo lực gia đình

Cá nhân và gia đình có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình như sau:

- Trách nhiệm của cá nhân:

+ Thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

+ Kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Trách nhiệm của gia đình:

+ Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

+ Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Thực hiện các biện pháp khác về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia.

21.  Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình

- Theo Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì việc xử lý các trường hợp  như sau:

+ Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định trên thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

+ Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

22. Những trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, bao gồm:

- Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

- Thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính./.